TUYỂN SINH ĐH 2023: ÁP LỰC NGÀNH "HOT"

Thứ ba - 28/02/2023 20:52
Sau ánh hào quang của những ngành học “nóng” là những áp lực, khó khăn mà mỗi thí sinh trước khi lựa chọn đăng ký học cần phải chuẩn bị để đối mặt.
TUYỂN SINH ĐH 2023: ÁP LỰC NGÀNH "HOT"
Công nghệ thông tin được coi là ngành “hot” hiện nay, nhất là sau khi ChatGPT xuất hiện. PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, cho biết, trước mùa tuyển sinh, ông nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngành này. Thế hệ trẻ hiện nay quen với trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây… Tốt nghiệp Công nghệ thông tin mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm cũng như cơ hội thăng tiến dành cho người giỏi.
PGS Điền nhận định, học Công nghệ thông tin có nhiều thuận lợi nhưng cũng rất thách thức. Thách thức đầu tiên là cạnh tranh đầu vào. Khi trúng tuyển vào học, sinh viên cũng phải cạnh tranh với các “gã khổng lồ” khi 2/3 số học sinh của lớp được tuyển thẳng. Học sinh có thành tích thấp nhất là đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Do vậy, rất khó xin học bổng học tập. Không những thế, còn áp lực trong học tập. PGS Điền lấy ví dụ, giảng viên vừa viết xong một câu hỏi giải tích, nhiều sinh viên đã có câu trả lời trong khi có sinh viên còn chưa hiểu câu hỏi.
PGS Nguyễn Phong Điền thông tin, hiện có gần 30 trường ĐH lấy kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức để xét tuyển nên có thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh năm nay.
PGS Điền cho rằng, cần phải có thiết kế riêng chương trình giáo dục thể chất đối với sinh viên ngành Công nghệ thông tin vì điều kiện học tập và làm việc sau này yêu cầu phải có chế độ dinh dưỡng và rèn luyện tốt. “Đây là những thách thức thực tế phía sau ánh hào quang của ngành Công nghệ thông tin”, ông nói.
Một lưu ý đối với thí sinh là học phí của ngành Công nghệ thông tin luôn cao nhất trong nhóm ngành kỹ thuật ở ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng và các trường ĐH nói chung với khoảng 30 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao từ 50 - 70 triệu đồng/năm, tùy từng trường.
Chuẩn bị đủ kinh phí để theo học đường dài
Điểm chuẩn ngành Y khoa luôn là tốp đầu trong nhóm trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Theo những người trong cuộc, để khoác trên mình blouse trắng, sinh viên Y khoa phải vượt qua một chặng đường dài gian nan. Lê Hữu Hiếu, sinh viên năm thứ 6, ngành Y khoa, Trường ĐH Y dược TPHCM, thủ khoa tổ hợp B00 với 30 điểm năm 2017, từng được nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” của báo Tiền Phong. Theo Hiếu, áp lực theo học ngành Y là phải qua một hành trình học tập kéo dài với khối lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ ít nhất 6 năm, nhiều nhất có thể trên 10 năm. Áp lực lớn thứ hai là tài chính vì thời gian học dài và sắp tới khi các trường tự chủ, học phí rất cao. Hiện tại, Hiếu đóng mức học phí 1,43 triệu đồng/tháng nhưng những khóa tới, có thể sẽ phải đóng 6,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, sinh viên học Y khoa rất ít có thời gian đi làm thêm. Áp lực nữa mà Hiếu đề cập là viễn cảnh nghề nghiệp sau khi ra trường vì chưa hình dung ra được công việc sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT chia các ngành đào tạo thành 7 nhóm ngành. Trong đó có nhiều ngành đặc thù như Y dược, Sư phạm, các ngành thuộc lực lượng Vũ trang, An ninh nhân dân. Mỗi ngành học đều có những khó khăn, áp lực yêu cầu sinh viên phải vượt qua. Thực tế cho thấy những ngành học càng đặc thù, càng “nóng” thì càng áp lực.
FORM ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN

Nguồn tin: tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây