Tuy nhiên, mong muốn của các trường là có một kỳ thi tuyển sinh riêng dùng chung cho ngành Sư phạm.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thông báo các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng cho hay, năm 2025 cũng là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Với các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Quản lý thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên kèm kết quả thi năng khiếu do nhà trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu của cơ sở giáo dục đại học khác).
“Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tổ chức từ 1 - 2 đợt trong năm và diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6”, TS Trịnh Đình Vinh thông tin và cho biết, các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào (nếu thấy phù hợp và có nhu cầu). Hiện, nhà trường xây dựng các phương án, kế hoạch và thông tin cần thiết để công bố rộng rãi đến các cơ quan báo chí cũng như toàn xã hội.
Cũng như một số kỳ thi riêng của các trường, thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đến ngày thi, thí sinh bắt buộc phải về trường để dự thi trực tiếp và làm bài thi trên giấy theo quy chế. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện để đăng ký trực tuyến có thể liên hệ với nhà trường để được hướng dẫn và trợ giúp kịp thời.
Năm 2024, hơn 11.500 thí sinh tham dự kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Kỳ thi này có 9 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào. Năm 2025, trường tiếp tục tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, kỳ thi nhằm đánh giá năng lực của những thí sinh muốn vào ngành Sư phạm. Với mục tiêu phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh để phù hợp với từng ngành đào tạo.
Theo đó, thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Dự kiến trong quý IV năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ rà soát, chỉnh sửa cấu trúc, ma trận đề thi cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt và nội dung cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đồng thời, thực hiện quy trình bổ sung câu hỏi mới để cập nhật bộ câu hỏi nguồn cho Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025; tiến tới xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn trong các năm tiếp theo.
Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, năm 2025, nhà trường tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với quy mô lớn hơn 3 năm trước. Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng nhà trường, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Kết quả kỳ thi không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TPHCM mà còn cho các trường đại học khác như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); Trường ĐH Công Thương, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược (Đại học Huế)…
Nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi bám sát Chương trình GDPT 2018, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các môn còn lại có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 với dạng thức gồm dạng câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở, thời gian làm bài là 90 phút.
Với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, mỗi bài thi gồm 40 câu hỏi, được chia làm 3 phần: Phần 1 là câu hỏi đơn, phần 2 là câu hỏi tổng hợp, phần 3 là câu hỏi điền đáp án đúng. Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn bao gồm phần đọc hiểu và phần viết.
Được xây dựng đề án từ năm 2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt chính thức được tổ chức một đợt thi vào năm 2022 với hơn 1.900 lượt thí sinh tham gia.
Năm 2023, kỳ thi đã nâng lên thành 2 đợt và tổ chức tại cơ sở chính của trường với 4.362 lượt thí sinh tham gia. Để tạo thuận lợi cho thí sinh ở các địa phương, năm 2024, kỳ thi mở rộng quy mô lên 5 đợt và mở rộng địa điểm tại Long An, Gia Lai và Đà Nẵng. Tổng số lượt thí sinh tham gia trong năm 2024 đạt 8.540 em.
Xét tuyển kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt là một trong những phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Tỷ trọng của phương thức này đã tăng từ 20% của năm 2022 thành 30% của năm 2023 và có những ngành tăng lên 50% vào năm 2024. Bên cạnh đó, số ngành sử dụng phương thức này cũng tăng từ 19 ngành năm 2022 đến 28 ngành trong năm 2023 (tăng 47,3%) và 31 ngành cho năm 2024 (tiếp tục tăng 10,7%).
Trong đó, hầu hết ngành đào tạo giáo viên sử dụng phương thức này, như: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục công dân, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm Công nghệ và Sư phạm Khoa học tự nhiên…
Theo đánh giá của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhóm thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt có kết quả học tập tốt hơn so với nhóm thí sinh xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT. Do đó, dự kiến từ năm 2025, phương án tuyển sinh độc lập thông qua kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được xây dựng.
Mong muốn của TS Trịnh Đình Vinh là có một kỳ thi tuyển sinh dành cho lĩnh vực sư phạm. Vì thế, các trường sư phạm trọng điểm thảo luận, nghiên cứu để cùng “bắt tay” vào việc. Trong khi chờ có kỳ thi chung, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh được những thí sinh đáp ứng yêu cầu của nhà trường. |
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc