PHƯƠNG ÁN THI TỐT NGHIỆP 4 MÔN: TUYỂN SINH ĐẠI HỌC SẼ THAY ĐỔI RA SAO?
Thứ sáu - 01/12/2023 02:28
Bộ GD&ĐT đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn. Điều này liệu có tác động đến phương thức tuyển sinh đại học của các trường?
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn học còn lại (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết với phương án thi tốt nghiệp như trên sẽ giảm áp lực cho học sinh bởi sẽ không phải học và ôn tập nhiều môn. Về phía các trường đại học sẽ phải điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho phù hợp. Bên cạnh đó, các trường cũng phải tìm kiếm các phương thức tuyển sinh đại học khác. “Với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các em sẽ thi ít môn hơn. Trong khi đó, đối với một số ngành nghề cần phải có các môn học phù hợp. Do đó, ngay từ khi vào lớp 10, các em phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để có sự chọn lựa hợp lý, tránh thay đổi giữa chừng” – ông Nhân nói thêm. Cũng theo ông Nhân, các phương thức tuyển sinh đại học của trường trong năm 2024 giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh đại học trong năm 2025, trường đang nắm thêm thông tin. “Hiện nay, trường vẫn chưa nắm được tỷ lệ lựa chọn các tổ hợp môn của học sinh tại các trường THPT. Điều này đòi hỏi sự phối hợp và chia sẻ thông tin từ Sở GD&ĐT các địa phương. Dựa trên số liệu được cung cấp, trường mới có dữ liệu phân tích để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp” – ông Nhân bày tỏ. Đồng quan điểm, ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho rằng các trường đại học sẽ có sự thay đổi khá đáng kể về mặt phương thức tuyển sinh đại học cũng như khâu tổ chức đào tạo. “Nếu vẫn dùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ phải có sự điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển. Có thể thu gọn lại các tổ hợp và cân đối những môn học cần thiết cho các ngành cần thiết phải đưa vào. Muốn làm tốt điều này, công tác truyền thông cực kỳ quan trọng” – ông Phương nói. Theo ông Phương, tại Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện việc tuyên truyền tới học sinh các trường THPT những môn học cần thiết cho các ngành để các em nắm và chọn lựa. Ở góc độ khác, Ths Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết các phương thức tuyển sinh được xây dựng dựa trên các tổ hợp môn xét tuyển. Với phương án thi tốt nghiệp 4 môn sẽ có điều chỉnh về tổ hợp. Theo đó, những tổ hợp môn nào không còn phù hợp sẽ phải loại bỏ đồng thời bổ sung thêm tổ hợp môn mới. “Hiện nay tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM trong các tổ hợp môn không có môn tin học. Nhưng với phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025 sẽ phải bổ sung thêm môn này trong các tổ hợp xét tuyển” – ông Quốc nói thêm. Trong khi đó, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công thương TP.HCM khẳng định phương án trên không ảnh hưởng đến đề án tuyển sinh các trường. Bởi các trường đại học có rất nhiều phương thức xét tuyển. Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một phương thức trong số đó. Tăng tỉ lệ xét tuyển bằng kỳ thi riêng Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nha Trang nhận định bên cạnh việc thay đổi tổ hợp môn xét tuyển, các trường có thể tăng tỷ lệ xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Ví dụ, trước đây phương thức này chỉ chiếm tỷ lệ từ 5 đến 10% thì năm 2025 có thể tăng lên 40%-50%.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NQ
Một vấn đề khác được ông Phương đề cập, việc tổ chức đào tạo các trường cần thay đổi để phù hợp thực tế. Bởi sẽ xuất hiện tình huống những môn học cần thiết ở bậc THPT để phục vụ cho việc học đại học nhưng do được tự chọn nên học sinh lại không đăng ký. Trong trường hợp đó, trong chương trình giáo dục đại cương, các trường phải cập nhật để làm sao bổ sung kiến thức nền tảng cho học sinh. Nắm bắt tình hình trên, tại Trường Đại học Nha Trang đã thành lập ban chỉ đạo nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới để có thể đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp cũng như cập nhật lại chương trình giáo dục đại cương sao cho hợp lý. Dự kiến cuối tháng 12 trường sẽ tổ chức hội thảo khoa học. Tại hội thảo sẽ có sự tham dự của tổ trường các môn học của các trường phổ thông về dự. Thông qua hội thảo, trường sẽ nắm bắt tình hình để có sự điều chỉnh hợp lý. Đồng quan điểm, phó trưởng phòng đào tạo Đại học Sư phạm TP.HCM cũng cho biết trong lộ trình phát triển của mình, trường mong muốn tuyển sinh theo kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Bởi đối với một số ngành học tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, thí sinh cần có những năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. “Dự kiến trong đề án tuyển sinh đại học năm 2025, sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh đối với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường” – ông Quốc nói.
Tiếc nuối vì ngoại ngữ là môn tự chọn Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công thương TP.HCM bày tỏ sự tiếc nuối khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, ngoại ngữ là môn tự chọn. Bởi ngoại ngữ có vai trò quan trọng không chỉ trong quá trình học tập mà còn cả quá trình làm việc sau này. Sinh viên giỏi ngoại ngữ sẽ được các doanh nghiệp săn đón. Ngoại ngữ nếu là môn thi bắt buộc sẽ thúc đẩy quá trình học tập của các em.