Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)
Dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025 của ĐHQGHN có 6 điểm mới.
Những điểm mới gồm: cấu trúc đề thi mới (phần khoa học hoặc ngoại ngữ); số lượng câu hỏi và cách đặt câu hỏi trong mỗi chủ đề; câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, tác phẩm ngoài SGK; câu hỏi chùm xuất hiện trong tất cả các phần thi; thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba; điều chỉnh lịch thí sinh đăng ký dự thi lần đầu để giảm nghẽn mạng như năm ngoái.
Cụ thể theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐHQG Hà Nội), cấu trúc đề thi tham khảo đánh giá năng lực năm 2025 gồm 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học - ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA.
Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 25% câu hỏi điền đáp án.
Nếu năm ngoái, câu hỏi chùm chỉ xuất hiện ở phần thi ngôn ngữ, từ năm 2025, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao.
Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực.
Đặc biệt năm 2025, câu hỏi trong đề thi sẽ không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định.
ĐH Quốc gia TPHCM
Trước đó, ĐH Quốc gia TPHCM công bố những điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2025.
Theo đó, từ năm 2025, cấu trúc bài thi ĐGNL được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, đề thi ĐGNL từ năm 2025 của đơn vị này vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy.
Đề thi năm 2025 sẽ giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: tiếng Việt là 300 điểm, tiếng Anh là 300 điểm; Toán học là 300 điểm và Tư duy khoa học là 300 điểm.
Theo ĐH Quốc gia TPHCM, đề thi từ năm 2025 nhằm mục đích đánh giá đúng năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp; đồng thời, đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc THPT. Cách tiếp cận với đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TPHCM.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3-4 kíp thi tại 30 điểm. Như vậy so với năm ngoái, năm 2025 ĐHBK Hà Nội giảm 3 đợt thi.
Ngoài các điểm thi trước đây, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) Hà Nội mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm thi tại tỉnh Lào Cai).
Kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi. Thông tin cụ thể các đợt thi như sau:
Đợt 1: Ngày thi 18-19/1/2025, ngày mở đăng ký 1-6/12/2024
Đợt 2: Ngày thi 8-9/3/2025, ngày mở đăng ký 1-6/2/2025
Đợt 3: Ngày thi 26-27/4/2025, ngày mở đăng ký 1-6/4/2025
Hệ thống đăng ký thi TSA tại: https://tsa.hust.edu.vn
Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề. Đây là 3 phần thi độc lập.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Công bố mới nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 diễn ra ngày 17-18/5/2025 (rơi vào thứ bảy và chủ nhật). Công bố điểm thi trước 15/6/2025.
Đặc biệt, điểm mới từ năm 2026, dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (SPT) sẽ bổ sung các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Thời gian đăng ký dự thi: Từ ngày 15/3 đến ngày 15/4/2025 tại một trong bốn điểm thi: Trường ĐHSP Hà Nội; Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Quy Nhơn; Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng.
Thí sinh được đăng ký thi các môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành
đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo.
Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc