Bộ GD&ĐT hỗ trợ các trường lọc ảo 6 lần như những năm trước. Kết quả cuối cùng được Bộ GD&ĐT trả về để các trường công bố cho thí sinh.
Hôm nay (15/8), hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và hai nhóm lọc ảo miền Bắc, miền Nam chính thức bước ngày chạy dữ liệu đầu tiên. Trong lần lọc ảo thứ nhất, theo ghi nhận chung, các công đoạn diễn ra suôn sẻ.
Ông Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết nhiều trường đang chạy lọc ảo với mức điểm chuẩn ở hầu hết các ngành đều giảm nhẹ so với năm 2022. Nguyên nhân vì đây là lần đầu tiên nên các trường sẽ chọn ngẫu nhiên và kết quả này tiếp tục được điều chỉnh ở những lần tiếp theo.
Tương tự, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM - thông tin trường này đang nhập lên hệ thống với mức điểm gần như điểm sàn. Theo phổ điểm chung của năm nay, mức điểm các khối A, B khá thấp nên các trường chưa dám "mạo hiểm".
Ông Sơn tiết lộ Trường ĐH Công thương TPHCM có tổng số gần 33.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương năm ngoái. Đến lần lọc ảo thứ ba, điểm chuẩn cơ bản sẽ được xác định chính xác hơn.
Với 23.000 nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - chia sẻ mức này tăng khoảng hơn 2.000 so với năm trước. Dẫu số nguyện vọng tăng nhưng ông cho rằng chưa thể nhận định được mức điểm chuẩn của năm nay.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing - nêu quá trình lọc ảo diễn ra thuận lợi. Các trường đang thử nghiệm vì thế kết quả còn thay đổi.
Là trường thường có điểm chuẩn tiệm cận mức 30 nhưng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định về cơ bản điểm chuẩn các ngành có thể giảm hơn so với năm ngoái.
Nguyên nhân do điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay ở nhiều môn thuộc tổ hợp xã hội giảm. Trong khi đó, nhà trường được giao chỉ tiêu tăng đến 20%.
Cùng với đó, với quy định điểm cộng ưu tiên giảm tuyến tính với thí sinh có mức điểm từ 22,5 trở lên, cũng sẽ góp phần làm cho mặt bằng chung điểm chuẩn trúng tuyển của trường giảm nhẹ, khó có ngành đạt mức 30 điểm.
Điểm chuẩn các ngành báo chí, quan hệ công chúng, tâm lý học, Hàn Quốc học,… của trường này vẫn top đầu.
Các ngành liên quan tới truyền thông đa phương tiện, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin,
thiết kế đồ họa, logistics, marketing... thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển (Ảnh: Tuấn Vinh).
Trong khi đó, một vài trường đại học khác cho biết điểm chuẩn có thể tăng cao tới 1-3 điểm.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Gia Định - thông tin điểm chuẩn vào trường này dự kiến sẽ tăng ở một số ngành "hot" như truyền thông đa phương tiện, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin. Các ngành còn lại ít biến động.
Nguyên nhân tăng cao ở một số ngành có thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nhiều, điểm thi cao. Biên độ điểm chênh lệch so với năm 2022 có thể tới 1-2 điểm.
Tương tự, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) - chia sẻ sau khi thực hiện lọc ảo lần thứ nhất nhà trường có kết quả trả về đạt hơn 110%.
Với tỷ lệ trả về này, trong các đợt lọc ảo tiếp theo, HUTECH dự kiến điều chỉnh mức điểm trúng tuyển của một số ngành thu hút thí sinh cao để đạt tỷ lệ gọi khoảng trên 100%. Như vậy, điểm chuẩn sẽ tăng lên.
"Nhận định kết quả tuyển sinh năm nay, HUTECH khả năng cao sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, riêng một số ít ngành có mức điểm trúng tuyển cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm so với mức điểm sàn như công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, thiết kế đồ họa, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật ô tô, marketing,…", bà Dung nói.
Theo đại diện các trường, đây vẫn chỉ là kết quả lọc ảo ngày đầu nên có thể sẽ còn điều chỉnh nhẹ ở những lần sau. TS Mai Đức Toàn - đại diện Trường ĐH Gia Định - cũng cho biết "bài toán" dành cho các trường top dưới là dù kết quả lọc ảo có thể đạt 100% nhưng vẫn lo về tỷ lệ nhập học thực tế.
Ông Toàn cho hay, nhiều thí sinh có thể trúng tuyển nhưng không nhập học do đi làm hoặc chuyển hướng học nghề.