Lý giải về thực tế này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho ngành sư phạm trở nên “hot” là do những chính sách ưu đãi đặc biệt mà Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như các địa phương dành cho sinh viên học ngành sư phạm. Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên ngành này sẽ được hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học với mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do chỉ tiêu vào các trường sư phạm nhiều năm nay không tăng trong khi số lượng thí sinh đăng ký lại gia tăng hơn trước. Số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy, năm 2024, tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng vào khối ngành sư phạm tăng khoảng 85%, tương đương 200 ngàn nguyện vọng so với năm 2023. Chính vì vậy, các trường có điều kiện “lọc” thí sinh, chỉ những thí sinh có điểm thi rất cao mới có thể trúng tuyển. Chuyện thí sinh đạt hơn 9 điểm/môn nhưng vẫn rớt sư phạm sẽ là chuyện… bình thường.
Có thể nói, việc điểm trúng tuyển đầu vào của các trường sư phạm tăng cao là một tín hiệu vui cho thấy kết quả tích cực sau một thời gian “siết” ngưỡng đầu vào khối ngành này. Bởi thực tế trước đây, đã có lúc nhiều trường cùng mở khối ngành sư phạm, y dược với điểm trúng tuyển khá thấp. Chất lượng đầu vào thấp dẫn đến chất lượng đầu ra không đảm bảo. Giáo viên đi dạy khó đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo. Chính vì vậy, từ năm 2020, Bộ Giáo dục và đào tạo đã quyết định ban hành về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm. Chỉ có những thí sinh đạt số điểm theo quy định mới được đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường có tuyển sinh 2 ngành này. Điểm trúng tuyển tùy thuộc vào chỉ tiêu của từng trường và số lượng đăng ký nguyện vọng của thí sinh nhưng không được thấp hơn điểm quy định đầu vào mà Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu.
Như vậy, sau một thời gian bị phàn nàn khá nhiều về chất lượng đào tạo khối ngành sư phạm, đến thời điểm này có thể thấy, đây không còn là ngành mà “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” nữa. .
Nguồn tin: baodongnai.com.vn
Ý kiến bạn đọc