Theo lộ trình, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đổi mới thi tốt nghiệp, việc xét tuyển vào đại học (ĐH) của các cơ sở đào tạo cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Trong đó, đáng chú ý nhất là các kỳ thi tuyển sinh riêng dự kiến tiếp tục được tổ chức, thậm chí sẽ được mở rộng quy mô hơn. Nội dung đề thi cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với chương trình mới.
Đầu tiên là duy trì kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm 2025 sẽ là năm thứ 8 kỳ thi được tổ chức và đây là kỳ thi tuyển sinh riêng có quy mô lớn nhất cả nước.
Những năm qua, kỳ thi này luôn thu hút trên 80.000 thí sinh dự thi với hơn 100.000 lượt thi, tập trung chính từ Đà Nẵng trở vào.
Như PLO đã thông tin, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM định hướng phát triển ổn định nhưng tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi để tiếp cận đến nhiều thí sinh ở các địa phương hơn.
Đồng thời, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực sẽ có điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đề thi vẫn theo hình thức trắc nghiệm trên giấy với 120 câu trắc nghiệm khách quan làm bài trong 150 phút. Nội dung gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.
Trong đó, sự điều chỉnh tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề. Thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm vấn đề để làm bài.
Dự kiến kỳ thi này sẽ tiếp tục được sử dụng để xét tuyển đầu vào tại hơn 100 trường ĐH-CĐ với nhiều mức chỉ tiêu khác nhau. Trong đó, với các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xét trung bình từ 30-50% chỉ tiêu.
Thứ hai là kỳ thi lớn nhất phía Bắc do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức cũng với tên gọi kỳ thi đánh giá năng lực.
Để chuẩn bị, vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã sớm công bố đề thi tham khảo năm 2025.
Theo đó, thí sinh dự thi sẽ làm bài trên máy tính. Cấu trúc đề thi gồm hai phần bắt buộc là toán học và xử lý số liệu; văn học – ngôn ngữ. Phần thứ ba là thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh. Mỗi phần thi tối đa 50 điểm, tổng điểm cả bài là 150.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết đề thi có trên 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan.
Điểm mới trong cấu trúc đề thi năm 2025 là sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao.
Đặc biệt, đề thi có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành học liên quan ngôn ngữ.
Kiến thức trong đề thi sẽ phân bổ tương đối như sau: lớp 10 khoảng 10%; lớp 11 khoảng 30%; lớp 12 khoảng 60%.
Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, dự kiến, kỳ thi từ năm 2025 được tổ chức với 6 đợt, từ tháng 3 đến tháng 5 và phục vụ khoảng 85.000 lượt thi/năm.
Năm 2025 sẽ là năm thứ 4 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để làm căn cứ xét tuyển đầu vào hệ ĐH chính quy.
Trường thông tin, kỳ thi từ năm 2025, trường sẽ có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi nhằm phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Theo đó, trong đề thi mới, phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% là chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10 và 11.
Kỳ thi được tổ chức với sáu bài thi, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Trong đó, chỉ riêng tiếng Anh có thời gian làm bài trong 180 phút với bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, các môn còn lại 90 phút.
Thí sinh muốn xét tuyển vào ngành học nào của trường thì đăng ký chọn môn thi tương ứng.
Kết quả kỳ thi được sử dụng xét tuyển kết hợp giữa điểm thi này và xét kết quả học tập THPT cho nhiều ngành học của trường. Đồng thời, kết quả còn được sử dụng ở nhiều trường ĐH khối sư phạm khác trên cả nước.
Tương tự, ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng sẽ dự kiến tiếp tục kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào tại trường và một số trường sư phạm khác.
Hiện tại, trường chưa công bố thông tin cụ thể nhưng ở hai năm trước, kỳ thi của trường chỉ tổ chức với một đợt duy nhất. Kỳ thi gồm 8 bài thi, mỗi bài thi kết hợp trắc nghiệm (70-80%) và tự luận (20-30%). Thí sinh làm bài trên giấy trong 60-90 phút/bài.
Ngoài ra, năm 2025 dự kiến sẽ có thêm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 sẽ lần đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và là một trong các phương thức tuyển sinh đầu vào.
Tại khu vực TPHCM, năm 2025, kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính dự kiến tiếp tục được tổ chức tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn. Kỳ thi được phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục để được cung cấp ngân hàng câu hỏi lẫn phần mềm tổ chức thi.
Thí sinh thi tối thiểu 2 môn trong 7 môn thi độc lập, gồm: Toán, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nội dung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Trong đó, môn Toán thi trong 90 phút, các môn còn lại là 60 phút.
Cạnh đó, ngoài dùng để xét tuyển đầu vào tại hai trường tổ chức, kết quả kỳ thi sẽ được mở rộng sử dụng ở nhiều trường khác như Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Trà Vinh....
Tại Hà Nội, dự kiến năm 2025 cũng sẽ tiếp tục là năm thứ năm ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển sinh đầu vào tại trường và hàng chục trường ĐH khác.
Thay vì 6 đợt, ĐH này dự kiến giảm còn ba đợt và kết thúc trước tháng 5-2025. Bài thi dự kiến vẫn gồm ba phần thi độc lập theo hình thức trắc nghiệm: tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, còn có các kỳ thi tuyển sinh riêng khác được duy trì những năm qua, tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn chưa công bố thông tin cụ thể cho năm 2025. Đó là kỳ thi đánh giá năng lực vào Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội; Kỳ thi TestAs của Trường ĐH Việt Đức; Kỳ thi đánh giá năng lực của khối trường công an nhân dân và khối trường quân đội. |
Nguồn tin: plo.vn
Ý kiến bạn đọc