ĐỀ THI NGỮ VĂN "ẤN TƯỢNG VÀ ĐỘC ĐÁO"

Thứ ba - 27/06/2023 23:30
Đây là nhận xét của thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM. Cũng theo thầy Khôi, thí sinh có thể đạt trung bình từ 6-7 điểm với đề thi này.
ĐỀ THI NGỮ VĂN "ẤN TƯỢNG VÀ ĐỘC ĐÁO"
Đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2023 như sau:



Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhận định đề thi không quá bất ngờ, cấu trúc phù hợp (ngữ liệu đọc hiểu là thơ, ngữ liệu nghị luận văn học là truyện). Sự phân hoá được đảm bảo để phù hợp với mục tiêu tuyển sinh ĐH. Dự kiến phổ điểm trung bình từ 6.0 - 7.0.
Phần Đọc hiểu: Ngữ liệu (đoạn trích thi phần của nhà thơ Anh Ngọc) được lựa chọn khá tinh tế, những câu hỏi thành phần đúng các mức tư duy. Chỉ xin được góp ý thêm với câu hỏi 2: tiền giả định của người ra đề có lẽ là mọi thí sinh đều biết hiện tượng "Giông" là gì. Dẫu vậy, theo quan điểm cá nhân, đây vẫn là câu hỏi gây ít nhiều khó khăn cho học sinh vì liên quan đến kiến thức môn khác. Nên cân nhắc những câu hỏi dạng này.
Phần Nghị luận xã hội: Vấn đề nghị luận khá hay, có ý nghĩa thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh. Dẫu vậy, để có thể hiểu được cân bằng cảm xúc là cả một quá trình đi từ nhận thức đến xử lí và điều chỉnh cảm xúc chính xác, hiệu quả là điều không đơn giản; từ đó để chỉ ra sự cần thiết của nó lại là một thử thách khác. 
Vấn đề nghị luận như một lời khuyên mà thông điệp sâu sắc của nó học sinh phải tự xác định, làm rõ. Điều đáng tiếc là sự gắn kết giữa câu NLXH và câu Đọc hiểu thực ra không rõ lắm nên sẽ gây khó khăn ít nhiều cho học sinh.
Phần Nghị luận văn học: Chắc nhiều thí sinh sẽ rất mừng khi gặp tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) vì truyện nhắn này nằm trong nhóm văn bản có nhiều khả năng xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, tính phân hóa của đề thi nằm trọn vẹn ở phần này. Đoạn trích nằm ở phần kết của tác phẩm, trọng tâm rơi vào câu chuyện người vợ nhặt kể và phản ứng của Tràng sau câu chuyện đó.
Nếu muốn phân tích sâu, kĩ nhằm mục đích gia tăng dung lượng bài văn, các em phải có khả năng liên hệ với các nội dung khác trong truyện thuộc các phần không được trích dẫn, thậm chí phải đối chiếu so sánh với đoạn trích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) đã học, đặc biệt là tình tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và trốn theo anh. Hơn thế, chưa biết các em có đủ bình tĩnh để nhìn ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm hay không. Đây là một vấn đề không đơn giản để đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, tôi đánh giá rất cao câu Nghị luận văn học của đề thi năm nay. Thực sự rằng dẫu ít nhiều rơi vào vùng dự đoán song cách chọn ngữ liệu và đặt vấn đề vẫn rất mới mẻ, độc đáo và rất ấn tượng.
TS Phạm Hải Linh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá, cấu trúc đề năm nay khá giống với mọi năm. Mức độ kiến thức trong đề có khả năng phân loại học sinh. Đề đi từ những câu hỏi nhận biết, đến thông hiểu và vận dụng. 
Nội dung kiến thức trong đề khá quen thuộc, là những phần thầy cô lớp 12 của các trường đã ôn trọng tâm. Bên cạnh đó, năm nay có một câu nâng cao hơn so với năm ngoái là câu Nghị luận văn học, nhận xét về góc nhìn của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ Nhặt. 
"Đây chính là câu hỏi phân loại được học sinh", cô Linh nói. Cô Hải Linh cũng cho biết, câu hỏi hay và gây được sự chú ý là câu Nghị luận xã hội, nói về sự cân bằng cảm xúc. Đây là vấn đề không chỉ đối với các em học sinh mà còn là vấn đề của mọi người trong xã hội. 
"Ngày nay, cuộc sống vật chất, thú vui, giải trí đôi khi chi phối những cảm xúc bên trong của con người. Lúc này, con người cần phải biết lắng nghe, cân bằng cảm xúc của bản thân với cộng đồng, xã hội. Đây là vấn đề rất hay".
Cô Linh đánh giá, với đề thi này, mức điểm 7-8 sẽ xuất hiện nhiều. Để được trên 9 điểm, học sinh cần phải có tư duy, hiểu biết về cuộc sống, có nhận định, bám chắc kiến thức văn bản.
Cô Dương Thanh Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) nhận định đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2023 có cấu trúc đề thi quen thuộc.
“Cấu trúc gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3.0 điểm), phần Làm văn (7.0 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2.0 điểm) và câu nghị luận văn học (5.0 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây nên học sinh được ôn luyện kĩ càng. Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD-ĐT công bố trước đó cũng bám sát cấu trúc này nên khá thuận lợi cho học sinh trong quá trình thực hiện bài thi”.
Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, không thấy có dạng câu hỏi mang tính đột phá.
"Về nội dung đề thi, phần Đọc hiểu cho một đoạn trong “Đi qua cơn giông” của tác giả Anh Ngọc. Đây là một ngữ liệu tốt, có giá trị giáo dục và ý nghĩa nhân văn, đảm bảo tốt cho yêu cầu đọc hiểu. Phần Đọc hiểu có hỏi 4 câu hỏi nhỏ.
Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, câu 1 xác định thể thơ, câu 2 trích lọc thông tin là những câu hỏi hầu như học sinh nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh đã rất quen thuộc; câu 4 (mức độ vận dụng) học sinh tư duy và thực hiện đúng kĩ năng là làm được.
Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”.
Đây là một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực, tuy nhiên dạng câu hỏi không mới. Để hoàn thành câu hỏi này, học sinh thực hiện đúng kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội: giải thích khái niệm “cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”, bàn luận về sự cần thiết của vấn đề, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa và rút ra bài học của bản thân.
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích đoạn trích cuối trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, từ đó nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Đây là tác phẩm học sinh chắc chắn được ôn tập kĩ, không bất ngờ nên học sinh có thể hoàn thành bài thi tốt.
Tuy nhiên, đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích đoạn trích văn xuôi; mà còn phải thực sự hiểu sâu nội dung tư tưởng của tác phẩm mà tác giả gửi gắm. Đề bài nghị luận xã hội này có tính phân hóa cao”, cô Thủy phân tích.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cấu trúc đề, dạng câu hỏi quen thuộc, không có sự đột phá nào. Tuy nhiên, để đạt được số điểm cao, đòi hỏi học sinh phải có tư duy độc lập, tính sáng tạo và khả năng cảm thụ văn chương sâu sắc.
Cô Thủy cho rằng, với đề thi này, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được mức điểm 5 - 6, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được điểm 7 - 7.5, học sinh giỏi có thể đạt được điểm từ 8 - 8.5 trở lên.
Em Đinh Nguyễn Duy Minh (học sinh Trường THPT Hoàng Mai) cho rằng đề thi môn Văn năm nay có phần khó hơn so với năm ngoái. Minh làm được khoảng 70% nhưng chỉ dám dự kiến 6 điểm. Minh cho hay, các bạn trong phòng thi của mình sau khi hết giờ làm bài cũng bảo thấy khó hơn so với đề năm ngoái.
FORM ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây