Phát biểu kết luận tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024 (diễn ra ngày 9/8/2024), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến vấn đề bứt phá chất lượng giáo dục đại học, trong đó lưu ý các cơ sở đào tạo cần tận dụng tốt hơn nguồn lực từ Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (gọi tắt là Đề án 89) để phát triển đội ngũ giảng viên.
Hệ thống giáo dục đại học cần tập trung vào chất lượng, chuyển từ số lượng sang chất lượng
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hệ thống giáo dục đại học nước ta đã trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Năm 2024 cũng là năm bản lề quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Nhận định mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định hệ thống giáo dục đại học nước ta đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng.
Đánh giá chung, hệ thống giáo dục đại học đã có năng lực thích ứng và tự đổi mới thành công trong giai đoạn vừa qua.
“Thời gian tiếp theo, hệ thống giáo dục đại học cần tập trung vào chất lượng, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Bởi chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng thì chúng ta mới tiếp tục nâng cao được số lượng. Đây là bài học cần lưu tâm”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu định hướng.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, đã có những giai đoạn chất lượng đã không được tốt, dẫn tới số lượng giảm. Nhưng giai đoạn vừa rồi, toàn hệ thống đã nỗ lực cố gắng, số lượng quy mô tuyển sinh đảm bảo, chứng tỏ niềm tin của xã hội đối với giáo dục đại học.
“Việc này dứt khoát trong thời gian tới chúng ta cần duy trì, làm tốt, củng cố và nâng cao chất lượng. Như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nói, chúng ta không lo về số lượng, nguồn tuyển trong thời gian tới vì rất dồi dào, trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo chất lượng, từ đó nâng cao tư duy của người học. Từ hình thức chuyển sang thực chất và hiệu quả”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định. |
Muốn có chất lượng, hiệu quả thì tổ chức bộ máy phải ổn định
Nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ quan trọng trước thềm năm học mới 2024-2025 đối với giáo dục đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay:
Thứ nhất, hiện nay, hầu hết các trường đại học chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đảng ủy, hội đồng trường, hiệu trưởng. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các trường tập trung chuẩn bị quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt trong thời gian tới.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi kinh nghiệm cho thấy, một số cơ sở giáo dục đại học không làm tốt vấn đề này, để gây mất ổn định nội bộ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng. Muốn có chất lượng, hiệu quả thì tổ chức bộ máy phải ổn định”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thứ hai, việc tiếp tục đổi mới quản trị đại học và thực hiện nghiêm quy định của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, trước tiên muốn làm tốt thì cần phải làm đúng, nâng cao hiệu quả dựa trên chia sẻ kinh nghiệm, hiệu quả hợp tác của các trường, dựa trên chuyển đổi số, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẩn trương hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc kết nối cơ sở dữ liệu của các trường với cơ sở dữ liệu HEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Chúng ta thực hiện cập nhật kịp thời, nhất quán, đầy đủ dữ liệu, công việc cụ thể phục vụ thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường phân tích dữ liệu, hoạch định chính sách, điều chỉnh những định hướng để nâng cao chất lượng”, Thứ trưởng Sơn nói.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chỉ ra một trong những điểm yếu mà nhiều cơ sở giáo dục đại học mắc phải, đó là:
Thứ nhất, việc đưa ra các chỉ số hoạt động chính và theo dõi, đánh giá và cải tiến hoạt động chính.
Thứ hai, liên quan tới năng lực quản trị đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở giáo dục đại học phát huy tinh thần tự chủ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường thông qua việc chủ động tổ chức hội thảo, tọa đàm, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Thứ ba, khi mở rộng quy mô và muốn nâng cao chất lượng, thì đội ngũ giảng viên phải là lực lượng nòng cốt, phát triển đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ rất quan trọng. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục phối hợp cùng các Vụ, Cục rà soát, đánh giá lại, đề xuất những điều chỉnh trong thông tư, hướng dẫn, tranh thủ nguồn lực Đề án 89 để hỗ trợ tối đa các trường đại học trong việc đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Về phía các trường đại học, cần tạo điều kiện tối đa cho giảng viên bằng những giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt, trong hợp tác quốc tế, cần có hợp tác chiến lược với một số cơ sở giáo dục nước ngoài, thuận tiện hơn trong việc cử giảng viên đi học.
“Một trong những điểm nghẽn hiện nay là giảng viên tự đi tìm thầy, tìm trường, rất khó khăn cho những giảng viên trẻ. Vì vậy, các trường đại học hết sức tập trung tận dụng nguồn lực này. Đề án 89 có mục tiêu đặt ra rất lớn, chúng ta đã có cơ chế chính sách để làm. Tuy nhiên, hiện nay việc tận dụng nguồn lực này còn rất hạn chế”, Thứ trưởng bày tỏ.
Ngoài ra, trong việc phát triển giảng viên, Thứ trưởng nhấn mạnh không chỉ là vấn đề thu hút, cạnh tranh trong nước, mà còn phải phát triển, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, đặc biệt trong những lĩnh vực mà đất nước cần, lĩnh vực trọng tâm trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn…
Thứ tư, về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để có dự thảo sớm nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, công bằng cho thí sinh. Các trường thực hiện tự chủ nhưng không được có tác động xấu tới giáo dục phổ thông, mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông.
Cần quan tâm đến tuyển sinh đa dạng cũng như vấn đề tuyển sinh sớm hiện nay, các trường đại học cần đưa ra những kinh nghiệm hay để thực hiện.
Thứ năm, với những yêu cầu mới trong bối cảnh mới, với công nghệ mới phục vụ phát triển đất nước, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học trong việc hiện đại hóa chương trình, đa dạng hóa phương thức, ứng dụng công nghệ mới nhất, đáp ứng yêu cầu nhân lực từng địa phương, từng vùng và cả nước.
Do đó, Vụ Giáo dục đại học cần tiếp tục phối hợp với các trường hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, trình độ đào tạo và sớm ban hành. Làm sao để các chuẩn chương trình đào tạo đưa vào các năng lực cốt lõi của người công dân toàn cầu trong tương lai, như: công nghệ số, năng lực tự học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt về năng lực số, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy và học.
“Thời gian tới toàn ngành có rất nhiều việc lớn, trong đó thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Chúng tôi đề nghị các trường cần sẵn sàng chuẩn bị các đề án, dự án để chúng ta chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn tới.
Chúng ta muốn được nhà nước quan tâm, có được đầu tư thì cần phải có đề án tốt”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý với các cơ sở giáo dục đại học.
Cuối cùng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập đến vấn đề công tác truyền thông. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học của nhà nước và xã hội còn hạn hẹp. Nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo về cơ chế chính sách.
“Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ sở giáo dục đại học hết sức quan tâm để phối hợp làm tốt công tác truyền thông chính sách; quan trọng nhất là nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống giáo dục đại học, của các trường đại học trong phát triển kinh tế, xã hội đối với địa phương, vùng và cả nước. Làm rõ đầu tư cho giáo dục đại học, đặc biệt là những ngành trọng điểm, là đầu tư cho tương lai. Đây là yếu tố cạnh tranh cốt lõi, không những của vùng mà của cả đất nước trong lĩnh vực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phối hợp truyền thông để giải quyết tốt những bức xúc của dư luận xã hội, đặt lợi ích người học lên hàng đầu; định hướng ngành nghề; làm tốt công tác tuyển sinh; tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc dạy và học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Nguồn tin: giaoduc.net.vn
Ý kiến bạn đọc