Nhiều năm qua, các trường đại học áp dụng tuyển sinh sớm để thu hút thí sinh, tuy nhiên việc nhiều trường đua nhau tuyển sinh bằng nhiều phương thức tuyển sinh, hạ chuẩn đầu vào đã gây nên nhiều hệ lụy đối với giáo dục phổ thông.
Theo bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, việc tuyển sinh sớm đã bộc lộ nhiều bất cập ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học đối với học sinh lớp 12. Theo đó, Hà Nội nhiều năm nay là một trong những địa phương có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học thuộc diện cao nhất cả nước. Công việc phục vụ cho học sinh tuyển sinh đại học cũng vì thế tăng lên.
Trước sự thay đổi trong nội dung dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, bà Vương Hương Giang bày tỏ sự đồng thuận. Bởi theo bà Giang, việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sớm đối với các trường đại học là điều rất cần thiết. Bà Giang cũng đồng ý với việc quy đổi điểm tương đương không thấp hơn điểm trúng tuyển theo điểm xét tuyển chung.
“Trong những năm qua, hỗ trợ học sinh xét tuyển sớm đã bộc lộ những tồn tại. Với mong muốn trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, các thí sinh đã làm nhiều hồ sơ đăng ký vào nhiều trường đại học. Sau Tết, các trường phổ thông mất rất nhiều thời gian công sức trong việc in sao học bạ, hoàn thiện hồ sơ của thí sinh trong khi đây là thời gian đang dạy và học của học kỳ II lớp 12.
Hơn nữa, sau khi có kết quả trúng tuyển, các em thường không quan tâm đến việc ôn tập vì chỉ cần đạt tốt nghiệp là đậu đại học. Việc này đã ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và ảnh hưởng tâm lý ôn tập của các thí sinh khác. Vì vậy, việc hạn chế tuyển sinh sớm và đưa điểm chuẩn chung sau khi tiến hành quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển là hợp lý” – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nêu.
Bà Vương Hương Giang cũng nêu sự đồng thuận, việc xét tuyển phương thức điểm học bạ bắt buộc lấy kết quả của toàn lớp 12 của học sinh. Trong thời gian qua, vì các trường áp dụng xét tuyển sớm bằng phương thức xét tuyển điểm học bạ nhưng không lấy kết quả học kỳ II. Điều đó, đã xảy ra tình trạng học hành chểnh mảng nhiều môn học khác.
“Việc xét học bạ là kết quả của toàn lớp 12 của học sinh là cách để đánh giá toàn diện học sinh, không để các em học lệch hoặc bỏ một số môn học của học kỳ hai của năm lớp 12” - bà Vương Hương Giang chia sẻ.
Thực tế cho thấy, việc học sinh được xét tuyển sớm, khiến các em bỏ bê việc học tập trong quãng thời gian học kỳ 2 của lớp 12 là một hệ lụy cần thiết phải được nhìn nhận một cách khách quan. Chương trình lớp 12 rất quan trọng, trong đó chương trình của học kỳ 2 lớp 12 lại nằm vào những phần kiến thức nền tảng và được đánh giá rất hay.
Nếu việc học sinh biết trước kết quả đậu đại học nhưng không chịu học, bỏ bê việc học khi đang trong quá trình thu nhận kiến thức phổ thông là điều không thể để xảy ra kéo dài, cần có biện pháp chấm dứt.
Trong Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh trình độ đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non, quy định xét tuyển sớm không được vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường. Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lý giải, quy định giới hạn 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.
Bàn về đề xuất này của Bộ, nhiều lãnh đạo các trường đại học đề xuất bỏ hẳn xét tuyển sớm bởi hệ lụy gây ảnh hưởng xấu đến việc các em học tập chương trình phổ thông. Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, đầu vào cũng quan trọng nhưng quá trình đào tạo ở đại học còn quan trọng hơn. Trước đây, chỉ có thi 4 tổ hợp các khối (khối A: Toán, Lý, Hóa; khối B: Toán Hóa Sinh; Khối C: Văn, Sử, Địa; Khối D: Toán, Văn, Anh) vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào và đào tạo vẫn có kết quả tốt.
Do đó, trong năm học này là năm đầu tiên áp dụng kết quả của chương trình THPT mới, vì thế cần đổi mới và làm ngay việc tuyển sinh. Tuyển sinh đại học cần cố gắng làm cho công bằng, tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội và hài hòa lợi ích của các trường.
“Việc xét tuyển sớm đã bộc lộ nhiều bất cập, thực tế đang gây khó khăn cho việc dạy và học tại trường phổ thông. Vì thế, tôi đề nghị bỏ luôn xét tuyển sớm. Bởi việc cho phép tuyển sinh không quá 20% không còn có nhiều ý nghĩa trong tuyển sinh” – ông Lê Thành Bắc nêu.
Ông cũng cho rằng, việc yêu cầu tuyển sinh xét học bạ là xét cả năm học lớp 12 cũng rất cần thiết, tránh học sinh học lệch, bỏ học, không chú ý học tập sau khi biết mình đã đỗ đại học. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay mà thầy Lê Thành Bắc quan tâm nhất chính là vấn đề quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển. Tránh tình trạng mông lung, khó hiểu để các nhà trường dễ áp dụng trong thực tế.
Đồng tình với quan điểm của ông Lê Thành Bắc - Phó Giáo sư Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cũng đề xuất nên bỏ hẳn phương thức xét tuyển sớm. Bởi ông Nguyễn Đào Tùng cho rằng, cần mạnh dạn bỏ xét tuyển sớm vì nó đang gây rối loạn cho hoạt động dạy và học ở trường phổ thông. “Tại sao chúng ta không bỏ đi khi đã có quá nhiều lựa chọn trong tuyển sinh đại học. Tại Học viện Tài chính, khi chúng tôi hiểu bản chất của xét tuyển sớm đã quyết định bỏ không xét tuyển sớm” – ông Nguyễn Đào Tùng nêu.
Ông Nguyễn Đào Tùng cũng chỉ ra, việc triển khai xét tuyển sớm bộc lộ nhiều lúng túng trong thực hiện. Trong khi đó, chất lượng tuyển sinh lại là vấn đề. Kết quả học tập trong học bạ của học sinh luôn đặt ra vấn đề “có trung thực không”. Do đó cần mạnh dạn bỏ đi kết quả xét tuyển sớm.
“Việc ra Tết, các em không học hành. Nếu vì cạnh tranh của các trường đại học trong tuyển sinh mà làm xáo trộn việc học tập tại trường phổ thông là điều không nên” – ông Nguyễn Đào Tùng nêu. Ông Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đồng ý bỏ xét tuyển sớm.
Liên quan đến tuyển sinh đại học, nhiều vấn đề cũng được các lãnh đạo nhà trường đề cập đến. Theo ông Nguyễn Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT cho rằng, việc có nhiều phương thức tuyển sinh tạo ra sự không công bằng trong tuyển sinh đại học. Kết quả học tập học bạ không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT đã dẫn tới nhiều em trường chuyên học xong học kỳ 1, coi như đã xong, tập trung vào học một số môn, một số môn còn lại không chịu học, nên khi học lên đại học đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, ông Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cũng đồng thuận với việc siết chặt tuyển sinh sớm. Tạo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh, điều đó sẽ hạn chế được các bất cập trong tuyển sinh đại học hiện nay.
Như vậy, qua các ý kiến của chuyên gia về các vấn đề liên quan đến tuyển sinh đại học, có thể thấy việc xét tuyển sớm không còn mấy ý nghĩa đối với giáo dục đại học, trong khi đó nó tạo ra nhiều hệ lụy đối với học sinh phổ thông, khiến các em bỏ bê học tập đồng thời gây phiền hà, gánh nặng cho các trường phổ thông trong việc in sao học bạ, hoàn thiện hồ sơ xét tuyển của học sinh. Chính vì vậy, việc bỏ xét tuyển sớm là điều cần nên làm để chấn chỉnh lại việc học tập, không để tiếp tục xảy ra tình trạng chán học, lười học, xem thường việc học sau khi đã có kết quả trúng tuyển đại học.
Nguồn tin: www.congluan.vn
Ý kiến bạn đọc