BẮT ĐẦU TỪ NĂM 2025: GIẢM SỐ LƯỢNG TỔ HỢP XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC

Thứ tư - 06/12/2023 03:05
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố phương thức thi tốt nghiệp THPT 2025, mối quan tâm lớn nhất của người học là việc tuyển sinh đại học (ĐH) tới đây sẽ ra sao, cơ hội xét tuyển bằng tổ hợp có thay đổi gì không.
BẮT ĐẦU TỪ NĂM 2025: GIẢM SỐ LƯỢNG TỔ HỢP XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) với 2 môn lựa chọn (trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy, sẽ có 2 môn mới lựa chọn lần đầu tiên xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ.
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT mới, tổ hợp xét tuyển ĐH sẽ giảm hơn một nửa. Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), với 4 môn thi, trong đó 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36 (giảm từ 80 tổ hợp các năm trước xuống còn 36 tổ hợp). Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào ĐH từ năm 2025. Số lượng tổ hợp nói trên chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay. Từ đó, số lượng tổ hợp xét tuyển vào ĐH từ năm 2025 khả năng sẽ ít và đơn giản hơn. Ông Thanh cho biết: Với phương thức thi 2+2, nếu các trường ĐH tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì sẽ phải chọn các tổ hợp khác.
Trên thực tế, điều này ít nhiều sẽ tác động tới tỉ lệ chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong tương quan với các phương thức tuyển sinh của nhiều trường ĐH. Thống kê của Bộ GDĐT từ các mùa tuyển sinh trước cũng cho thấy, trung bình các trường ĐH dành khoảng 50 - 60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên, cùng lúc sẽ dùng được nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH như A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh) hay A01 (Toán, Lý, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh). Còn với phương án thi mới, thí sinh bị hạn chế số lượng tổ hợp xét tuyển hơn, chỉ có thể chọn xét tuyển nhiều nhất với 2 tổ hợp.
Trước băn khoăn về việc giảm cơ hội xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, hầu như 100% các trường ĐH vẫn dành chỉ tiêu để xét tuyển sử dụng điểm thi kết quả THPT và xét tuyển kết hợp. Nguyên tắc yêu cầu chung đã được quy định, quy chế hiện hành sẽ vẫn được áp dụng trong những năm tới.
Liên quan đến phương án thi tốt nghiệp THPT mới từ 2025, các trường ĐH cũng đã chủ động nhiều phương án xét tuyển, không chỉ riêng lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo PGS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, khó nhất hiện nay là việc dự báo thí sinh lựa chọn theo hướng nào. Bộ cần cho các em đăng ký sớm về tự chọn để có hướng công tác tổ chức thi cũng như xét tuyển sau này của các em.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, từ năm 2025 nhà trường dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức, nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường. Theo đó, trường dự kiến chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp với một số tiêu chí khác mà Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang sử dụng như chứng chỉ Ngoại ngữ.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến các trường ĐH lo cân đối tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp Khoa học Tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm. Do đó, ông Điền khuyên thí sinh nên chuẩn bị thêm các chứng chỉ tiếng Anh, tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH bằng nhiều phương thức.
Còn 1 năm học nữa, lứa học sinh đầu tiên của chương trình GDPT mới sẽ chính thức thi tốt nghiệp THPT theo phương thức 4 môn. Việc giảm số môn thi được kỳ vọng giảm áp lực cho người học, làm lành mạnh hóa hơn quá trình xét tuyển ĐH trước thực trạng nở rộ như hiện nay. Tuy nhiên, để học sinh và các trường có thể chủ động ứng phó kịp thời với những thay đổi, Bộ GDĐT cũng cần sớm công bố những thông tin, dữ liệu có liên quan.
 
FORM ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây