Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, là mức tối thiểu mà thí sinh phải đạt được để đăng ký xét tuyển vào các trường. Với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, đây là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, tùy ngành học.
Dù kỳ thi tốt nghiệp diễn ra vào cuối tháng 6, một số trường đã đưa ra mức sàn chính thức hoặc dự kiến.
Học viện Hàng không Việt Nam công bố mức sàn chính thức cho từng ngành, dao động 16-20 điểm. Trong đó, ngành Quản lý hoạt động bay cao nhất. Đây cũng là ngành dẫn đầu về điểm chuẩn của học viện năm ngoái với 24,2 điểm. Các ngành còn lại lấy sàn 16-18, bằng điểm chuẩn năm ngoái.
Điểm sàn xét tuyển năm 2024 của Học viện Hàng không Việt Nam:
Ba trường thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM dự kiến điểm sàn 18-22 điểm. Trong đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đưa ra mức thấp nhất cho tất cả ngành. Trường dành 40-55% trong 3.800 chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.
Năm ngoái, điểm chuẩn xét theo phương thức này của trường dao động 21-28. Cao nhất là ngành Báo chí, khối C00 (Văn, Sử, Địa).
20 điểm là mức sàn của trường Đại học Kinh tế - Luật. Năm ngoái, ngành Thương mại điện tử lấy điểm chuẩn 27,48 - cao nhất trường. Các ngành còn lại có chuẩn đầu vào từ 24,06 điểm trở lên.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin dự kiến điểm sàn 22 với tất cả ngành và tổ hợp - cao nhất đến hiện tại. Năm 2023, điểm chuẩn phương thức này của trường dao động 25,4-27,8, ngành Trí tuệ nhân tạo dẫn đầu.
Ở phía Bắc, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Thương mại cùng dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển từ 20 điểm trở lên.
Năm ngoái, ở phương thức này, Đại học Kinh tế Quốc dân lấy điểm chuẩn dao động 26,1-27,65, đứng đầu là ngành Thương mại điện tử. Còn điểm chuẩn trường Đại học Thương mại cao nhất là 27 với ngành Marketing, các ngành khác lấy từ 24,5 điểm.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia TP HCM, ngày 7/4. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học được tự quyết định mức điểm sàn xét tuyển, trừ các ngành thuộc khối Sư phạm và Sức khỏe. Năm nay, Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hai khối ngành này trước ngày 21/7.
Dựa vào điểm sàn, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 17h ngày 30/7. Điểm chuẩn đại học được công bố trước 17h ngày 19/8.
Hơn 200 trường đại học hiện sử dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Phương thức có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất là xét điểm thi tốt nghiệp, chiếm khoảng 40-50% trong số hơn 600.000 tân sinh viên.